Có lẽ tuổi 30 không gọi là trẻ nữa, cũng không gọi là già. Mình nhớ lúc nhỏ mình và ngoại đi chùa Bà ở Châu Đốc, Ngoại đổi tiền lẻ 100 ngàn thành tờ 500 đồng để chia sẻ nhiều nhất cho những người hành khất bên dưới những bậc thang lên Miếu Bà.

Mình hỏi Ngoại: “Rủi gì người 1 người nhận 2 lần thì người ta có 1000 đồng lận á Ngoại?”

Với tinh thần của phật tử, Ngoại nói: “Kệ đi con, người ta khổ gấp đôi người ta mới lấy 2 lần”.

Rồi mùa Covid tới, ai cũng khổ! Nhưng có những cái khổ mà hơn 10 năm ở Sài Gòn, lần đầu tiên mình chứng kiến và thật sự hãi hùng. Đó là “ĐÓI!”, mình đã nhìn thấy người đói, những đứa trẻ vét cạn từng hạt cơm trong nồi, những người già vô gia cư ra đi trong kiệt quệ vì đói …!

Từ việc đó, tụi mình đã đặt ra một câu hỏi rằng: “Làm sao để biết người khó khăn đang cần cứu trợ khẩn & làm sao để tránh 1 nơi cứu trợ 2-3 lần ở một điểm dẫn đến dư đồ và lãng phí trong khi nơi cần thật sự lại không có gì?”. Từ đó: Platform “Gọi Đò Ơi” ra đời! Trong quá trình đi “xác minh” những đối tượng cần cứu trợ để đưa lên Platform, team mình đã chứng kiến rất nhiều, phải nói là rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, trong đó có những câu nói mà khiến mình ám ảnh mãi: “Giờ cô chú không mong gì, con có gạo với nước tương là được rồi!”. Mình biết là đằng sau câu nói đó là cả một nỗi bơ vơ của “người xa xứ” đang gửi lời cầu mong tới Sài Gòn – mảnh đất mà họ tìm kế sinh nhai.

Tụi mình biết, sức mình nhỏ, vật lực mình không có nhiều. Tuy nhiên ngoài kia, rất nhiều tấm lòng khác. Tụi mình xây nên platform này mục đích là “Tài trợ” tất cả những gì tụi mình có! Kỹ năng, thời gian, công sức… để kết nối những tấm lòng chia sẻ đến đúng nơi cần sẻ chia!

Website “Gọi đò ơi!” được ra đời với chức năng tập hợp thông tin của bên cho và bên nhận một cách minh bạch, được xác nhận bởi đội ngũ tình nguyện viên của Nhà Của Vui để hai bên có thể tìm thấy nhau. Sau đó, người cho có thể phân bổ hàng cứu trợ hoặc tài chính và theo dõi tiến trình phân bổ cũng như báo cáo minh bạch ngay tại địa chỉ goidooi.com.